Thảo luận tại phiên họp, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là cần thiết và cấp bách để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Trình bày một số vấn đề lớn về dự án Luật Hỗ trợ DNNVV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thông tin: Nhiều ý kiến đề nghị xem xét phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Dự án Luật vì quy định như hiện nay là quá rộng (DNNVV chiếm khoảng 97,9% tổng số DN) trong khi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có hạn.

Theo đó, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị hỗ trợ theo các hướng gồm hỗ trợ cơ bản và hỗ trợ trọng tâm. Trong đó, hỗ trợ cơ bản là những hỗ trợ thiết yếu đối với tất cả  DNNVV như: vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo, thông tin, tư vấn, mua sắm công...

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, các cơ quan quản lý cần quy định rõ hơn những DN được tập trung ưu tiên hỗ trợ là những DNNVV có tiềm năng, DN sản xuất, DN khoa học và công nghệ, DN tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế như áp dụng công nghệ cao để sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ du lịch, dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… 

Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ có cùng quan điểm là cần phải xác định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có hạn; bảo đảm cho sự hỗ trợ là hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; không hỗ trợ theo kiểu tràn lan, dàn trải.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, do số lượng DNNVV trong nước rất lớn, lên tới hàng triệu DN, chiếm tới hơn 97% số DN trong cả nước vì thế phải lựa chọn đối tượng DN để hỗ trợ chứ không làm tràn lan được vì nguồn lực quốc gia không đủ.

Đồng ý với nội dung này nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn cho rằng phạm vi hỗ trợ như đề nghị của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vẫn tương đối rộng. “Việc hỗ trợ chỉ nên tập trung một số DN điểm nhấn, trọng điểm, tạo chuỗi giá trị cao, vì chúng ta có đến hơn 97% số lượng DNNVV, chứ nếu đưa rộng như này thì nguồn lực có đáp ứng được không, có khả thi không?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó các ý kiến cũng đề nghị xem xét lại các tiêu chí xem xét thế nào là DNNVV; việc lấy ngân sách cho DNNVV có đảm bảo tuân thủ Luật Ngân sách hay không; việc đưa ưu đãi về thuế vào trong dự thảo luật có làm vỡ chính sách thuế hiện tại; việc quy định chương trình hỗ trợ vào luật không ổn vì gây ra hiện trạng luật chạy theo chương trình, chứ không phải chương trình theo luật mà làm…

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, trong đó cần đặc biệt quan tâm rà soát về phạm vi và đối tượng áp dụng của Luật. Việc hỗ trợ phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có thời gian và phải đi theo xu hướng về đổi mới mô hình tăng trưởng; có hỗ trợ nhưng nên tập trung vào những doanh nghiệp có xu hướng phát triển mạnh.

"Việc xây dựng dự án Luật phải bảo đảm được tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không được phá các luật khác, nhất là Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thuế, Luật Đất đai; phải bảo đảm được tính khả thi, tính cụ thể của Luật... Quan điểm của Thường vụ là luôn ủng hộ, luôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho DNNVV phát triển”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định.

Cũng trong chiều 9-1, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận về Dự án Luật Quản lý ngoại thương.